TruyenChuFull.Org

Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Người Tìm Xác
Chương 268: Chí khí ngút trời

Nửa sau của đoạn đầu máy bay bị biến dạng nghiêm trọng, không ai có thể đi vào trong. Nhìn từ bên ngoài của phần đầu máy bay này có thể nhận ra, máy bay không những chia làm đôi mà còn bị nổ nữa, cho nên mới khiến nửa sau của phần đầu máy bay bị cháy thành như thế.

Vì để có được cảm giác tốt hơn, xem bên trong có thi thể hay không, tôi nhẹ nhàng dựa cả người lên phần đầu của chiếc máy bay, đầu tôi ong lên, vô số đoạn ký ức tràn vào não…

Đỗ Hân Quốc quê ở Chiết Giang, năm 1930, Đỗ Hân Quốc 19 tuổi, dự thi vào trường Không quân Trung ương do Quốc dân Đảng thành lập ở Hàng Châu. Với thành tích ưu tú, ông ấy trở thành phi công không quân tốt nghiệp khóa đầu tiên.

Năm Đỗ Hân Quốc 26 tuổi, gặp nữ giáo viên Viên Như, hai người vừa gặp đã yêu. Lúc đó Đỗ Hân Quốc đã nổi tiếng là anh hùng kháng Nhật, nhưng ông ấy lại nhiều lần lùi bước trước tình yêu với Viên Như. Bởi vì lúc đó tình hình chiến sự rất khẩn cấp, chỉ cần lái máy bay bay lên bầu trời thì không ai biết mình có còn sống để trở về hay không.

Nhưng là một giáo viên trung học, Viên Như chẳng những ủng hộ Đỗ Hân Quốc, còn vô cùng hâm mộ việc ông ấy có thể bay ở trên bầu trời, chống lại kẻ xâm lược Nhật Bản. Bà ấy chỉ tiếc mình là phụ nữ nên không thể gánh vác được việc đó, chuyện duy nhất bà ấy có thể làm là dạy học sinh của mình tinh thần kháng Nhật, cứu nước!

Năm 1942 là năm thứ ba Đỗ Hân Quốc và Viên Như kết hôn, người Nhật Bản vì muốn chính phủ Quốc dân Đảng đầu hàng nên đã oanh tạc Hồng Kông và Ngưỡng Quang*, cắt đứt con đường tới Miến Điện, làm rất nhiều vật tư cứu viện không cách nào vận chuyển được vào nước.

* Thủ đô của Miến Điện (Myanmar), được đổi tên thành Yangon từ năm 1989.

Đối mặt với cục diện nghiêm trọng như thế, cuối cùng hai nước quyết định mở một con đường mới, con đường đến Ấn Độ, vượt qua dãy Đông Himalaya, băng qua sông Kinh Nộ, sông Kim Sa và tiến vào Vân Nam, Tứ Xuyên Trung Quốc.

Vì dọc đường đi có vô số núi non trập trùng nên tuyến đường này được gọi là Bướu Lạc Đà.

Tuyến đường Bướu Lạc Đà này còn một cái tên khác trực tiếp và đáng sợ hơn là… con đường tử vong. Những phi công có thể bay được trên tuyến đường này phần lớn đều là người Mỹ, trong đó cũng có một số phi công người Trung Quốc có triển vọng.

Tuy nhiên, do sự khởi đầu muộn của ngành không quân Trung Quốc ở thời điểm đó, nên những phi công có thể bay được tuyến đường Bướu Lạc Đà rất hiếm có, nhưng Đỗ Hân Quốc là một trong những người đó. Thậm chí ông ấy còn chủ động đề nghị với cấp trên để mình đảm nhận tuyến đường bay có tính nguy hiểm cực cao này.

Lúc chia tay với vợ, Viên Như không dặn dò ông ấy quá nhiều, bởi vì bà biết chồng mình dù là một quân nhân hay một người đàn ông thì đều đáng giá để mình tin tưởng! Bà ấy chỉ có một hi vọng duy nhất là đứa con trong bụng mình có thể nhìn thấy cha nó…

Đỗ Hân Quốc cũng giao huân chương quân công mà mình yêu quý nhất cho Viên Như, để bà ấy có thứ đảm bảo, đồng thời cũng là lời hứa hẹn mình nhất định sẽ còn sống trở về…

Lúc ấy vì không muốn Đỗ Hân Quốc phân tâm nên Viên Như không cho chồng biết chuyện mình đang mang thai, mãi đến sau đó, trong một lần hai người liên lạc với nhau, bà mới nói cho ông biết chuyện này.

Ban đầu Đỗ Hân Quốc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi bay trên tuyến Bướu Lạc Đà, nó còn nghiêm trọng hơn ông nghĩ rất nhiều! Vì máy bay vận tải không được bảo vệ nên họ thường xuyên bị máy bay chiến đấu của quân Nhật tập kích.

Để tránh né quân Nhật tập kích, giảm bớt thương vong, đại đội không quân chỉ có thể chuyển sang bay vào buổi đêm. Nhưng chuyện bay đêm rõ ràng đã tăng độ khó lên gấp nhiều lần, dù là việc phải tránh né núi cao hay máy bay chiến đấu Mitsubishi A6M Zero* của quân Nhật, thì còn có thời tiết khó lường nữa. Tất cả đều là những nguy hiểm trí mạng đối với đội bay của Đỗ Hân Quốc!

* Mitsubishi A6M Zero là máy bay tiêm kích hạng nhẹ hoạt động trên tàu sân bay được Không lực Hải quân Đế quốc Nhật Bản sử dụng từ năm 1940 đến năm 1945.

Đội Đỗ Hân Quốc thường xuyên bay đêm vận chuyển quân viễn chinh đi Ấn Độ, sau khi trở về từ nửa đêm ở Ấn Độ, máy bay sẽ đổ đầy nhiên liệu và các vật tư dùng trong chiến tranh khác, một khi máy bay bị rơi, cơ hội còn sống là rất thấp.

Lúc ấy máy bay họ lái là của Mỹ, không có bộ điều hướng tiên tiến, bọn Đỗ Hân Quốc lái máy bay chủ yếu dựa vào mắt nhìn các mốc địa hình bên dưới. Nhưng nếu gặp phải lúc thời tiết ác liệt thì không thể nhìn thấy các mốc chỉ dẫn ấy được, lúc ấy phải hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm “bay mù”.

Người may mắn thì có thể trở về từ cõi chết, đi đi lại lại được nhiều lần, nhưng nếu không may thì… Chỉ một lần cũng không về được! Lúc đó nhóm của Đỗ Hân Quốc thường xuyên mỗi ngày bay 6 giờ, vượt hơn 700 cây số, bay với cường độ cao như vậy thì thần may mắn cũng chẳng bao giờ ủng hộ được mãi!

Ngày 17 tháng 4 năm 1943, Đỗ Hân Quốc nhận mệnh lệnh của cấp trên, trên đường từ Ấn Độ quay trở về căn cứ, ngoài việc chuyển vật tư thì còn phải áp tải một tù binh quan trọng người Đức.

Lúc đó Đỗ Hân Quốc đều là ngày ngủ, đêm bay, nên khi thời gian điểm 12 giờ đêm, Đỗ Hân Quốc chuẩn bị xuất phát trở về Trung Quốc. Khi ấy phụ trách áp giải tên tù binh người Đức này còn có một phiên dịch viên tiếng Đức tên Brown và một sĩ quan trẻ tuổi người Mỹ tên là Anderson nữa.

Là một phi công, Đỗ Hân Quốc không có quyền hạn được biết vì sao tù binh người Đức này lại bị đưa về Trung Quốc. Nhưng với kinh nghiệm của mình, ông ấy cũng không khó để đoán ra được, gã người Đức này không phải một quân nhân.

Đỗ Hân Quốc phát hiện trong tay Anderson cầm theo một chiếc cặp da nhỏ có cài khóa mật mã, trong này hẳn chứa đựng thứ gì đó rất quan trọng và cơ mật và hiển nhiên nó có liên quan đến tay người Đức kia!

Đỗ Hân Quốc và Anderson cũng có tiếp xúc từ trước nên coi như quen biết lẫn nhau, họ gặp mặt cũng chỉ hàn huyên mấy câu, sau đó Đỗ Hân Quốc khởi động máy bay chuẩn bị quay về căn cứ…

Mới đầu mọi chuyện đều thuận lợi, ngờ đâu khi họ vừa bay ra khỏi Ấn Độ thì đột nhiên bị ba chiếc máy bay chiến đấu của Nhật tập kích. Vì không có máy bay khác bảo vệ, nên trong lúc bình thường mà gặp phải tình huống này, những phi công có kinh nghiệm đều phải tự nghĩ cách để trốn.

Nhưng dù đã cố hết sức, chiếc C-87 do Đỗ Hân Quốc lái vẫn bị đánh trúng một động cơ, khói đen bốc ra… Vì để bảo vệ mạng sống, Đỗ Hân Quốc không thể không bay vào trong tầng mây để tránh né.

Có lẽ do thời tiết xấu dần đi khiến lính Nhật sợ hãi bay đi mất, cho đến khi Đỗ Hân Quốc ra khỏi tầng mây thì ba máy bay của Nhật đã sớm không còn trên bầu trời.

Đỗ Hân Quốc muốn bay nhanh trở về, hi vọng mình có thể tránh thoát được thời tiết đang dần trở nên xấu đi. Đáng tiếc lần này Thượng Đế không còn ưu ái máy bay của ông ấy nữa.

Khi Đỗ Hân Quốc lái máy bay vượt qua một ngọn núi cao hơn mặt nước biển 7000 mét, đột nhiên gặp một cơn gió mạnh, nhiệt độ bên trong máy bay ngay lập tức giảm xuống đột ngột còn âm 20 độ, kính của khoang máy bay nhanh chóng bị đóng băng.

Lúc ấy vốn là nửa đêm, Đỗ Hân Quốc càng không nhìn thấy rõ cảnh vật ở phía trước. Hơn nữa, ngay lúc nguy cấp ấy, động cơ của máy bay lại xảy ra vấn đề, có hai động cơ cùng dừng hoạt động!

Rơi vào đường cùng, ngay lúc khẩn cấp nhất, Đỗ Hân Quốc đành phải báo vị trí tọa độ của mình cho căn cứ biết, hi vọng sau này căn cứ có thể tới tìm những vật tư quan trọng trên máy bay, cùng với chiếc vali có khóa mật mã thần bí kia…

Tất cả những ký ức của Đỗ Hân Quốc đều dừng lại sau một tiếng nổ lớn… Đến thời khắc hi sinh cuối cùng, ông ấy đều không có cơ hội nhìn thấy đứa con chưa ra đời của mình.

| Tải iWin